Hiện nay do nhu cầu thị trường tăng cao, các sản phẩm gốm sứ không chỉ cần đáp ứng được yêu cầu bền, chắc mà cần đáp ứng được cả về mắt thẩm mỹ, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Đây cũng chính là lí do các nhà sản xuất cho thêm chì vào trong quá trình sản xuất gốm sứ. Vậy qua bài viết dưới đây hãy cùng tìm hiểu về lí do tại sao, tác hại của gốm sứ nhiễm chì và cách nhận biết gốm sứ nhiễm chì.
Nguyên nhân gốm sứ bị nhiễm chì
Gốm sứ nhiễm chì là thuật ngữ dùng để nói chung những sản phẩm gốm sứ bị cho thêm vào lượng chì vượt quá giới hạn cho phép và gây ra những tác hại nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Hiện nay trên thị trường có nhiều trường hợp các nhà sản xuất vì để chạy theo lợi nhuận mà cho nhiều thành phần chì vào trong các sản phẩm gốm sứ. Mục đích của việc làm này là để tiết kiệm chi phí sản xuất và thu lại được nhiều lợi nhuận. Khi cho thêm chì vào các sản phẩm này thì không chỉ giúp tạo màu đẹp cho sản phẩm mà còn giúp giảm nhiệt độ nung của thuỷ tinh, gốm sứ nhờ đó tiết kiệm được thời gian và nguyên, phụ liệu, nhiên liệu. Lớp chì được tràng bên ngoài sẽ truyền sáng và làm đồ thuỷ tinh thêm long lanh hơn. Vì vậy những sản phẩm nung có chứa càng nhiều chì thì giá thành càng rẻ, ,mẫu mã càng đa dạng và đẹp mắt tuy nhiên sẽ gây ra những tác hại nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Tác hại của gốm sứ nhiễm chì
Hiện nay theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, trên thị trường Việt Nam nước ta có đến 80% các sản phẩm gốm sứ có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng lại mang nhãn mác phương Tây với giá thành rất cao. Tuy nhiên khi mang đi xét nghiệm thì thấy được lượng chì trong các sản phẩm này vượt quá quy định cho phép. Việc sử dụng các sản phẩm nhiễm chì gây rất nhiều tác hại xấu cho sức khoẻ người tiêu dùng cụ thể như sau:
- Gây các bệnh lý về thận, hệ thần kinh.
- Gây tổn thương các tế bào cơ quan nội tạng như dạ dày, gan, thận, phổi,…
- Gây rối loạn quá trình vận chuyển hydro, tác động lên hệ thống enzyme và gây rối loạn chức năng tạo máu từ đó gây nhiều biến chứng như tai biến thậm chí có thể gây tình trạng tử vong.
- Với phụ nữ có thai việc dùng các sản phẩm nhiễm chì trong thời gian dài là vô cùng độc hại có thể gây sảy thai, thai chết lưu.
- Với trẻ em có thể gây tình trạng viêm não, ảnh hưởng đến trí tuệ và hệ thần kinh của trẻ, kìm hãm vitamin D gây cản trở quá trình chuyển hoá calci, từ đó khiến trẻ bị còi xương, chậm lớn,.. Do trẻ em có sức đề kháng và miễn dịch còn chưa hoàn chỉnh vì vậy những tác hại cho chì gây ra ở trẻ có thể gây hậu quá nghiêm trọng gấp 3-4 lần ở người lớn.
Sau đây là những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị nhiễm độc chì và cần lưu ý:
- Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn khan, huyết áp thấp, người mệt mỏi.
- Xương khớp bị đau nhức, chậm chạp, trí nhớ suy giảm, chân tay bị mỏi, hay buồn ngủ.
- Răng bị xỉn màu.
- Trẻ em khi bị ngộ độc chì có dấu hiệu không phát triển hay chậm phát triển trí não, rối loạn tiêu hoá, người mệt mỏi, xanh xao, đau bụng. Nếu bị nhiễm độc chì nặng thậm chí trẻ có thể bị co giật, hôn mê, sốt cao.
Cách nhận biết gốm sứ nhiễm chì
Để tránh mua phải hàng kém chất lượng, vừa tiền mất tật mang thì sau đây là 1 vài mẹo nhận biết gốm sứ bị nhiễm chì mà các bạn có thể bỏ túi:
- Sử dụng giấm để kiểm tra: Nếu bạn có nghi ngờ sản phẩm gốm sứ nào đang bị nhiễm chì thì có thể đem ngâm đồ sứ trong dung dịch giấm ăn trong khoảng 15-30 phút sau đó lây ra xem. Nếu thấy gốm sứ xuất hiện tình trạng trắng ra và sáng hơn đồng thời giấm đổi màu so với ban đầu thì chắc chắn sản phẩm đó đã bị nhiễm chì và bạn nên cân nhắc có nên tiếp tục dùng không để tránh gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.
- Kiểm tra chất lượng bằng nước: Bạn có thể lật úp đồ gốm sứ lên và nhỏ 1 vài giọt nước vào vị trí không có men tráng, nếu thấy nước bị hút nhanh chóng chứng tỏ sản phẩm gốm sứ này chưa được nung trong nhiệt độ thích hợp và thời gian đủ lâu, đây cũng có thể là sản phẩm bị nhiễm chì. Điều này cũng dễ giải thích vì 1 sản phẩm chất lượng, có chứa hàm lượng chì và tạp chất thấp thì khi nung sẽ cần nhiệt độ cao và thời gian dài nhờ đó loại bỏ hết tạp chất đồng thời gốm sứ sẽ chắc lại, khô hơn và không dễ bị thấm nước. Đối với các sản phẩm nhiễm chì thì nhiệt độ nung thấp và thời gian nung nhanh do đó sản phẩm sẽ không được nung trong điều kiện tốt nhất, dễ hút nước.
- Kiểm tra thông qua tiếng vang: Đây là phương pháp không phải ai cũng có thể áp dụng vì cần có chuyên môn nhất định để nhận biết được sự khác nhau giữa tiếng vang của những sản phẩm chất lượng và kém chất lượng. Khi gõ thử vào sản phẩm nếu thấy có tiếng vang, trong thì đó là gốm sứ chất lượng, còn nếu khi gõ vào sản phẩm nhiễm thì thì tiếng sẽ vang nhỏ, không vang dài và tiếng đục hơn, không có độ trong như sản phẩm chất lượng.
- Khi nhìn bằng cảm quan sẽ thấy hoa văn là 1 trong những chi tiết dễ nhận biết nhất. Những sản phẩm gốm sứ tại Việt Nam hầu như được trang trí hoạ tiết bằng thủ công vì vậy năng suất không cao nhưng các hoa văn lại rất đẹp mắt, có độ đậm nhạt, nét thanh, nét đậm nhất định nhưng với những sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc sẽ được sản xuất hàng loạt bằng máy móc vì vậy các hoa văn sẽ được in đều mực, không có độ đậm nhạt như hàng thủ công như của Việt Nam. Đặc biệt sau sản phẩm gốm sứ chất lượng sẽ được bao 1 lớp men bao phủ bên ngoài giúp bảo vệ hoa văn vì vậy các hoa văn dù để lâu hay rửa nhiều cũng không bị phai nhạt đi những sản phẩm kém chất lượng thì không có lớp men bao phủ này khiến các chi tiết hoa văn rất dễ nhạt màu và bị nhoè đi theo năm tháng.
- Ngoài ra các bạn cũng nên lưu ý mua sản phẩm tại các cơ sở uy tín, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy tờ ghi rõ hàm lượng chì trên từng sản phẩm. Khi chọn đồ gốm sứ nên chọn những sản phẩm mặt trong long không màu để tránh ngấm hết vào thức ăn và gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Không nên dùng các sản phẩm có màu sắc quá lòe loẹt hay đồ long lanh vì những sản phẩm như vậy rất dễ bị nhiễm chì.
Qua bài viết trên, chúng tôi đã cung cấp những thông tin cần thiết về các triệu chứng, tác hại và cách nhận biết gốm sứ nhiễm chì tới quý bạn đọc để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và tránh tình trạng vừa mất tiền mua vừa mang bệnh cho cơ thể.